Những Trường Hợp Từ Chối Công Chứng Di Chúc

Công chứng viên được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Vậy các trường hợp từ chối công chứng được quy định thế nào?

Trường hợp việc công chứng thuộc các hành vi bị cấm

Điềm b và c Khoản 1 Điều 7 quy định về các hành vi bị cấm quy định về trường hợp công chứng viên không được công chứng, cụ thể:

Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện hành vi:

Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác.

Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, ông, bà, anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng, cháu là con của con đẻ, con nuôi.

2 trường hợp bị từ chối công chứng di chúc nhà đất

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình và một trong số đó là quyền sử dụng đất, nhà ở. Di chúc có thể được công chứng hoặc chứng thực, ngoài ra pháp luật còn quy định trường hợp từ chối công chứng di chúc nhà đất.

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

  • di chúc không có người làm chứng
  • di chúc có người làm chứng
  • di chúc có công chứng
  • di chúc có chứng thực

Người lập di chúc có quyền công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật, khi thực hiện thủ tục công chứng di chúc người dân cần biết một số trường hợp bị từ chối.

Căn cứ khoản 1 và 2 Điều 56 Luật Công chứng 2014, nếu thuộc một trong những trường hợp sau thì bị từ chối công chứng di chúc:

Người yêu cầu công chứng không phải là người lập di chúc, người lập di chúc không được ủy quyền mà phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc.

Công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Lưu ý:

Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.

Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

Ngoài 02 trường hợp bị từ chối như trên thì pháp luật còn quy định những người không được công chứng, chứng thực di chúc, cụ thể:

Căn cứ Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015, công chứng viên, người có thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  • Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  • Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Nếu công chứng viên vẫn công chứng, người có thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn vẫn thực hiện thủ tục chứng thực thì di chúc đó sẽ không hợp pháp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *